Cách chưng yến cho người tiểu đường an toàn, đúng cách
Người bệnh tiểu đường luôn cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt và yến là một trong những thực phẩm giàu dưỡng chất được chọn sử dụng để bồi bổ sức khỏe. Dưới đây là một số cách chưng yến cho người tiểu đường đúng cách, giúp ổn định đường huyết.
1. Người tiểu đường ăn yến được không?
Người tiểu đường hoàn toàn có thể sử dụng yến sào bởi tổ yến được hình thành từ 100% nước dãi của chim yến và đặc biệt không chứa đường. Hơn thế nữa, yến còn hỗ trợ kiểm soát cũng như ngăn ngừa đường huyết tăng đột ngột ở người tiểu đường vì chứa hai loại axit amin thiết yếu là isoleucine và leucine.
Đối với người bệnh tiểu đường, chế độ ăn uống cần đảm bảo tính khoa học nhưng nếu kiêng khem quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu hụt dưỡng chất. Vì thế, tổ yến là món ăn lý tưởng mà không lo ảnh hưởng đến lượng đường huyết trong cơ thể.

2. Cách chưng yến cho người tiểu đường
2.1. Chưng yến không đường với nhân sâm
Nhân sâm và yến là hai thực phẩm giàu dưỡng chất và phù hợp với người bị tiểu đường. Trong yến giàu đạm, khoáng chất giúp hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu còn nhân sâm có tác dụng phục hồi thể lực, cải thiện trí óc, bảo vệ tim mạch, chống viêm,…
Nguyên liệu:
- 3g nhân sâm khô
- 3 – 5g yến thô/yến tinh chế
Cách chưng:
- Bước 1: Ngâm 3 – 5g yến tinh chế vào nước sạch từ 40 – 50 phút đến khi yến nở và mềm ra. Nếu sử dụng yến thô thì bạn nên sơ chế trước khi ngâm.
- Bước 2: Rửa sạch nhân sâm khô và để cho ráo nước.
- Bước 3: Cho yến, nhân sâm vào thố chưng và chưng với lửa vừa từ 30 – 35 phút đến khi sôi lăn tăn, yến nổi lên trên.
2.2. Chưng yến không đường với kỷ tử và hạt chia
Kỷ tử là nguyên liệu tốt cho thị lực, cải thiện làn da, mái tóc và có thể hỗ trợ kiểm soát đường huyết ở mức ổn định. Đồng thời, hạt chia giúp cải thiện tác dụng nhanh của insulin, ổn định lượng đường trong máu. Kỷ tử, hạt chia kết hợp cùng yến tạo thành món ăn giàu dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường.
Nguyên liệu:
- 3 – 5g yến
- Nửa thìa cà phê hạt chia
- 3g kỷ tử
Cách chưng:
- Bước 1: Rửa kỷ tử bằng nước sạch và để cho ráo nước.
- Bước 2: Ngâm yến trong nước sôi để nguội đến khi yến mềm và nở ra hết trong khoảng 40 – 50 phút. Sau đó dùng rây vớt ra và đợi cho ráo nước.
- Bước 3: Cho yến vào thố sứ cùng lượng nước gấp 3 – 4 lần lượng yến sào. Sau đó bật bếp với lửa vừa và chưng trong vòng 20 phút.
- Bước 4: Cho kỷ tử và hạt chia vào và chưng thêm 10 phút đến khi sôi lăn tăn và yến đã nổi lên trên.
2.3. Chưng yến không đường với hạt sen
Hạt sen có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất xơ nên có tác dụng hỗ trợ ổn định lượng đường trong máu. Đặc biệt, hạt sen còn giúp cải thiện giấc ngủ nhờ chứa glucozit và một số chất an thần, dễ ngủ.
Nguyên liệu:
- 10g yến
- 100g hạt sen khô
Cách chưng:
- Bước 1: Ngâm yến với nước sôi để nguội từ 40 – 50 phút, khi yến đã mềm và nở ra hết thì dùng rây vớt để ráo nước.
- Bước 2: Trong lúc đợi yến nở, bạn rửa sạch và ngâm hạt sen đến khi mềm rồi vớt ra. Nếu bạn sử dụng hạt sen tươi thì nên lấy tim sen ra trước để không bị đắng
- Bước 3: Chưng cách thủy thố yến 20 phút rồi cho thêm hạt sen vào chưng khoảng 5 – 10 phút là có thể tắt bếp.

2.4. Chưng yến không đường với táo tàu
Trong táo tàu chứa hàm lượng chất xơ cao, mất nhiều thời gian để tiêu hóa. Vì vậy, táo tàu ít ảnh hưởng ngay lập tức đến lượng đường trong máu, đồng thời giúp người bệnh no lâu hơn và giúp cho hệ tiêu hóa được hoạt động tốt.
Nguyên liệu:
- 10g táo tàu
- 10g yến
- 1 – 2 lát gừng tươi
Cách chưng:
- Bước 1: Ngâm yến trong vòng 30 phút đến khi yến nở và mềm ra. Nếu sử dụng yến thô thì cần làm sạch lông trước khi chưng.
- Bước 2: Rửa sạch táo tàu và ngâm đến khi mềm rồi vớt ra để cho ráo nước.
- Bước 3: Cho yến cùng lát gừng vào thố sứ chưng cách thủy trong vòng 20 phút. Sau đó cho táo tàu và chưng thêm khoảng 10 phút là có thể tắt bếp.

3. Lưu ý khi chưng yến cho người tiểu đường
- Người bị tiểu đường là do rối loạn chuyển hóa làm cho lượng đường trong máu tăng cao và tích tụ trong máu. Vì thế khi chưng yến không được cho thêm đường, bạn có thể cho thêm vài lát gừng để khử mùi tanh của yến.
- Khi nấu món cháo yến, bạn nên hạn chế sử dụng gạo tẻ, gạo nếp vì có chứa tinh bột. Thay vào đó, bạn nên sử dụng gạo mầm và kết hợp cùng các nguyên liệu khác như gà ác, chim câu để bồi bổ cho người tiểu đường.
- Chỉ nên chưng cách thủy yến trong khoảng 20 – 30 phút để giữ được nguồn dinh dưỡng trong yến. Nếu dùng yến để nấu các món như cháo yến, yến hầm gà,… thì nên nấu chín các nguyên liệu khác và cho lượng yến đã chưng cách thủy vào chung.
4. Lưu ý khi cho người tiểu đường ăn yến sào
- Đối với người bệnh tiểu đường nên sử dụng yến 3 – 4g yến/ngày với tần suất 2 – 3 lần/tuần. Đặc biệt nên sử dụng vào buổi sáng khi vừa thức dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ để cơ thể hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng có trong yến.
- Nên dùng khi yến chưng còn ấm để tránh mùi vị yến tanh, khó sử dụng. Có thể cho thêm vài lát gừng vào yến chưng để khử mùi tanh của yến.

Nguồn tham khảo:
- https://www.healthline.com/nutrition/bird-nest-benefits-and-downsides
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7010601/
- https://suckhoedoisong.vn/yen-sao-thuc-pham-bo-duong-nhung-co-tot-voi-nguoi-benh-dai-thao-duong-169221107170216804.htm